Người dân Cực lạc

Liên hoa hoá sinh

Lúc thần thức được Phật và Bồ Tát rước về Cực Lạc liền hóa vào hoa sen, khi hoa còn búp thời gọi là “ở thai sen”. Dầu thân hình chưa ra khỏi búp hoa, nhưng cảnh tượng và những sự hưởng thọ ở trong hoa đã vui đẹp hơn ở các cõi ở Ta Bà.

Những hoa báu để thác sanh, sự quý đẹp có khác nhau, và thời gian hoa nở cũng chậm mau không đồng. Ðó là vì công đức và trí tuệ của mỗi thần thức thác sanh có hậu bạc cùng sâu cạn không đồng nhau. Điều đó phù hợp theo luật Nhân - Quả.

Do sự không đồng này nên Cực Lạc thế giới có chín phẩm liên hoa (cửu phẩm liên hoa): ba phẩm thượng, ba phẩm trung, ba phẩm hạ:

  • Ba phẩm bậc thượng: hoa sen bằng chất kim cương, bằng vàng tử kim, hay huỳnh kim. Thời gian hoa nở thời vừa thác sanh liền nở, hay cách đêm, hoặc một ngày đêm. Ðây là phần của những vị trước khi vãng sanh, tu hạnh Đại thừa, phát Bồ Ðề tâm, ngộ được lý Vô sanh, tự hành hóa tha, công đức sâu dày, chánh trí tuệ lớn mà hồi hướng nguyện sanh về Cực Lạc thế giới.
  • Ba phẩm bậc trung là phần của những người trai giới tinh nghiêm, cùng những người hiếu thảo, đạo đức, những nhà từ thiện,... mà dốc lòng cầu về Cực Lạc thế giới.
  • Ba phẩm bậc hạ là phần của những người không biết tu tập, không biết làm lành, cho đến những kẻ ở đời gian ác, đến khi sắp chết, lúc hấp hối, mà biết ăn năn tội lỗi rồi chí tâm xưng niệm “Nam mô A Di Ðà Phật” thiết tha cầu sanh Cực Lạc thế giới đều có thể đến.

Qua chín phẩm liên hoa đây, có thể thấy rằng: Cực Lạc thế giới là chỗ đồng về của cả Thánh và Phàm ở mười phương.

Chẳng những là nơi tu tập của các vị Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, những người hiền đức mà cả những loài tội ác biết ăn năn. Nếu ai tin chắc chí tâm niệm Phật rồi hồi hướng cầu sanh thì đều đến được.

Thân thể

Nhân dân nơi Cực Lạc thế giới, thân kim cương từ hoa sen báu sanh ra. Tất cả mọi người đều đủ 32 tướng tốt, 80 nét đẹp cùng xinh đẹp như nhau.

Ðức Bổn Sư từng hỏi Tôn Giả A Nan: “Như gã ăn mày đứng bên vị Ðế Vương, thời hình dung của hai người có giống nhau không?”.

Tôn Giả đáp: “Bạch Thế Tôn! Gã ăn mày hình dung xấu xí nhớp nhúa, đâu sánh với vị Ðế Vương được”.

Ðức Bổn Sư phán: “Vị Ðế Vương dầu là sang đẹp, nhưng sánh với Chuyển Luân Thánh Vương thời cũng như gã ăn mày. Trăm nghìn muôn lần quý đẹp của Chuyển Luân Thánh Vương cũng không bằng Thiên Ðế Thích. Trăm nghìn muôn lần quý đẹp của Thiên Ðế Thích cũng không bằng Tự Tại Thiên Vương. Trăm nghìn muôn lần quý đẹp của Tự Tại Thiên Vương sánh không bằng các vị Thượng Thiện Nhơn nơi Cực Lạc thế giới, nhân dân của Đức Phật A Di Ðà".

Thuần vui không khổ

Nhân dân nơi Cực Lạc thế giới không có tất cả sự khổ, chỉ hưởng thuần những sự vui thanh tịnh.

Phàm những sự thống khổ của muôn loài nhiều đến vô lượng. Tóm lại có 8 điều:

  • 1.- Khổ khi sanh ra.
  • 2.- Khổ khi già yếu.
  • 3.- Khổ lúc bệnh.
  • 4.- Khổ về sự chết.
  • 5.- Khổ vì phải ly biệt người thân mến.
  • 6.- Khổ vì gặp phải kẻ oan thù.
  • 7.- Khổ vì không được toại vọng.
  • 8.- Khổ vì thân tâm đòi hỏi phóng túng.

Nơi Cực Lạc thế giới, người sinh ra từ hoa sen, tức là không khổ khi sanh ra. Thân kim cương đẹp đẽ, vững bền dài lâu cho đến tận khi Niết bàn, tức sẽ không còn khổ vì già yếu hay bệnh tật, tức là không “lão khổ” và không “bệnh khổ”. Thọ mạng nhiều đến mức độ không thể đong đếm được cho đến khi Niết bàn, tức không khổ vì sự chết nữa. Không có cha mẹ, vợ con, tâm luôn thanh tịnh với các tình cảm tức là không khổ vì tình luyến ái như thế gian. Các Thiện tri thức thường cùng hội họp nhau yên lành, ý nghĩ của nhau cũng đều là thánh thiện, tức là không “oán tắng hội khổ" (gặp những người mình không thích, không vừa lòng mãi). Cầu bất kì điều gì về vật chất hay tinh thần đều như ý, đời sống vật chất muôn phần hạnh phúc tức là sẽ không bị khổ vì không được toại nguyện, mặc dù những người dân nơi đây tâm đều đã giảm nhẹ tối thiểu về ham muốn vật chất. Không thân kiến mà tâm luôn thanh tịnh, hòa đều tức là không “ngũ ấm xí thạnh khổ" (trong ngũ uẩn của chúng sinh, nếu uẩn nào không hoà đồng sẽ gây ra sự khổ).

Cực Lạc thế giới, ngoài các sự vui đẹp về vật chất như ăn mặc, ao tắm, nhà ở,…, đồng thời hưởng những điều vui cao quý:

1.- Thường được thấy Phật, gần Phật.

2.- Các Bồ Tát là thầy, là bạn đồng tu.

3.- Luôn được nghe Chánh pháp.

4.- Thường được chư Phật hộ niệm.

5.- Sống lâu vô lượng kiếp đồng với Phật.

6.- Không còn lo bị đọa vào ác đạo.

7.- Vĩnh viễn thoát ly khỏi sự khổ của luân hồi.

8.- Thọ dụng tự nhiên.

9.- Ðược vào bậc Chánh định không còn thối lui.

10.- Hiện chỉ trong một đời thì thành Phật.

Thọ dụng tự nhiên

Cực Lạc thế giới từ cung điện đền đài, bảo trì, bảo thọ cho đến tất cả vật dụng, đều bằng thất bảo tự nhiên hiện thành, không phải xây dựng tạo tác.

Người Cực Lạc lúc muốn mặc thời y phục đúng pháp tự nhiên ở trên thân.

Ðến giờ ăn người muốn bát đĩa thế nào, thức ăn thế nào đều đáp ứng đủ. Ăn xong, bát đĩa tự ẩn đi, đến giờ ăn lại hiện đến. Thức ăn vào thân tự tiêu tan, hóa thành hơi thơm, không có cặn bã, nhận sự khỏe mạnh, tâm an vui.

Tâm tánh và thần thông

Cực Lạc thế giới, mọi người dân đều có trí huệ sáng suốt. Lúc nghĩ tưởng, thì đều thuần là quan niệm đạo đức. Vì thế nên lời nói ra thuần là đúng chánh pháp. Mọi người đều yêu kính nhau. Không tham, không sân, không si, không thân kiến. Các căn tịch tịnh, không phóng dật, không vọng duyên.

Người người đều đủ 5 thứ thần thông trong Lục thông:

  • 1.- Thiên nhãn thông, có khả năng nhìn thấy tất cả mọi hình sắc ở gần hay ở xa trong cả thế gian, nhìn thấy mọi hình tướng khổ vui của chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi, người kém nhất cũng thấy được trăm nghìn ức na do tha thế giới.
  • 2.- Thiên nhĩ thông, nghe và hiểu hết mọi âm thanh trong thế gian, nghe và hiểu hết mọi ngôn ngữ của chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi. Người kém nhất cũng nghe được tiếng thuyết pháp của trăm nghìn ức na do tha đức Phật.
  • 3.- Tha tâm không, biết hết tất cả mọi ý nghĩ trong tâm của chúng sinh trong lục đạo, người kém nhất cũng biết được những tâm niệm của các loài chúng sanh trong trăm nghìn ức na do tha thế giới.
  • 4.- Túc mạng thông, biết được kiếp trước của chính bản thân mình và của chúng sinh trong lục đạo, từ một đời, hai đời cho đến trăm ngàn vạn đời trước đều biết rõ, nhớ rõ từng chi tiết nhỏ nhất ở từng đời sống như sinh ra ở đâu, cha mẹ là ai, tên gì, làm gì, chết như thế nào,.... Người kém nhất cũng biết rõ những việc trong trăm nghìn ức na do tha kiếp về quá khứ và vị lai.
  • 5.- Thần túc không, biến hiện tuỳ theo ý muốn, thân có thể bay lên trời, đi trên biển, xuyên qua núi, một thân biến nhiều thân. một ý niệm đi khắp mọi thế giới,... tất cả mọi động tác đều tuỳ theo ý, không hề chướng ngại, người kém nhất cũng đi được trăm nghìn ức na do tha thế giới.

Chú thích: Thông thường, một na do tha  là 1.000 ức. Nếu tính theo số nhỏ thì 1 ức là 100.000; nếu tính theo số lớn thì 1 ức là 100.000.000. Vậy, 1.000 ức = 100.000.000, hoặc 100.000.000.000. Có nhiều thuyết nói khác nhau về con số này, không có một con số chính xác thống nhất, cho nên, theo ý kinh, chúng ta tạm nên hiểu "một na do tha” nghĩa là rất nhiều mà thôi.

Công việc thường ngày

Nhân dân Cực Lạc, mỗi sáng sớm, đi cúng dường Phật A Di Ðà và vô lượng chư Phật ở thế giới khác. Cúng dường nghe pháp xong, về bổn quốc (Cực Lạc) vẫn còn trước giờ ăn.

Người Cực Lạc sau khi dùng bữa xong đi kinh hành tư duy diệu pháp, hoặc niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

Người Cực Lạc, sau khi tắm nơi bảo trì, rồi ngồi trên hoa sen báu tu tập đạo pháp.

Đức vị

Ở Cực Lạc thế giới, mọi người đều trụ bậc bất thối chuyển, nghĩa là sau khi đã được sanh về cõi Cực Lạc, thì tất cả đều đứng vững nơi đạo Vô thượng Chánh giác, không còn bị thối chuyển lui sụt trên con đường tu tập, tiến mãi đến bậc Nhất Sanh Bổ Xứ (Ðẳng Giác) (ngoại trừ những vị có hạnh nguyện riêng) và thành Phật.

Ðược như trên, là vì ở Cực Lạc cảnh duyên trang nghiêm thanh tịnh như thế đấy, là một "phương tiện" tuyệt vời cho mọi chúng sinh tinh tấn cho đạo hạnh.

Như trong kinh Di Ðà nói: “Chúng sanh sanh về Cực Lạc thế giới đều là bực bất thối chuyển”. Lại nói: “Những người nguyện về Cực Lạc thế giới, đều được bất thối chuyển nơi đạo vô thượng Bồ Ðề".

Trong Khởi Tín luận có lời: “Người sanh về Cực Lạc vì thường được thấy Phật, nên trọn không thối chuyển”.